SÂM BỐ CHÍNH - SẢN VẬT TIẾN VUA
Trước đây, sâm Bố Chính là một trong những sản vật quý được người Quảng Bình dùng để tiến vua chúa trong triều đình nhà Nguyễn ngày xưa bởi thế nó còn được gọi là “sâm tiến vua”.
Sở dĩ có tên gọi Bố Chính vì cây sâm này được phát hiện và sử dụng làm dược liệu đầu tiên ở Châu Bố Chính (nay là vùng Bố Trạch, Quảng Trạch). Loại sâm này được biết đến đầu tiên tại Quảng Bình cách đây khoảng 300 năm.
Theo các nhà khoa học, về dinh dưỡng, sâm Bố Chính không hề thua kém sâm Hàn Quốc, bởi sâm được sinh trưởng tại vùng đất có khí hậu khắc nghiệt bậc nhất nước ta nên dược tính được đánh giá rất cao. Còn theo các tài liệu, đây là một loại thảo dược quý, được ghi vào dược điển Việt Nam năm 2002 và nhiều tài liệu Đông y khác của nước ta.
Sâm Bố Chính cho ra các sản phẩm khác nhau như: sâm tươi, sâm khô, nước chiết xuất từ sâm, trà...tạo nên một món quà lưu niệm du lịch đặc trưng cho Quảng Bình phục vụ người dân và cả khách du lịch. Không những thế, loại sâm này còn có thể sử dụng để chế biến các món ăn ngon và bổ dưỡng như: gà hâm sâm, chân giò hầm sâm, sườn non hầm sâm, chè sâm long nhãn và còn vô vàn các món khác nữa.
Sâm bố chính là gì?
Cây Sâm bố chính còn có tên gọi khác là Sâm thổ hào, Sâm báo, Nhân sâm Phú Yên. Tên khoa học của Sâm bố chính là Abelmoschus sagittifolius (Kurz) Merr. Còn có các tên khoa học khác là Hibiscus sagittifolius Kurz, Hibiscus abelmoschus L. Cây này thuộc họ Bông (Malvaceae).
Sâm bố chính là cây thân thảo. Cây mọc đứng một cách yếu ớt, có khi dựa vào các cây xung quanh, cao chừng 1m hay hơn. Rễ có màu trắng nhạt hay vàng nhạt, nhiều rễ có hình người trông rất giống nhân sâm. Vì vậy mọi người có gọi là củ sâm bố chính.
Lá cây Sâm bố chính mọc so le, có cuống dài. Lá ở gốc có hình bầu dục không xẻ, lá giữa và lá ngọn xẻ 5 thuỳ hình dải, cuống lá ngắn hơn phiến, có lông.
Hoa của nó màu hồng hay nâu đỏ, có pha ít màu vàng, mọc riêng lẻ ở nách lá. Quả có hình trứng nhọn, có 5 mảnh vỏ phủ lông ở cả mặt trong lẫn mặt ngoài. Hạt màu nâu, hình thận.
>>>Tham khảo thông tin đặt phòng khách sạn 4,5 sao giá tốt ở Quảng Bình
Sâm bố chính có chất gì?
Theo GS. Đỗ Tất Lợi, trong rễ Sâm Bố Chính chứa khoảng 30 – 45% là chất nhầy và tinh bột.
Nghiên cứu của PGS TS Trần Công Luận đã ghi nhận thêm rất nhiều thành phần hóa học có trong rễ cây Sâm Bố Chính: Phytosterol, Coumarin, Acid béo, Acid hữu cơ, Đường khử và Hợp chất uronic. Lipid là 3,96%, chủ yếu là các chất acid myrisric, acid stearic, acid palmitic hay acid oleic,… Protein là 1,26g %. Tinh bột là 15,14 %. Chất nhầy là 18,92 %. Còn có 11 loại acid amin, 13 nguyên tố vi lượng.
>>>> Tham khảo các chương trình tour khuyến mãi Quảng Bình
Tác dụng của cây Sâm bố chính
Sâm bố chính được phối hợp với các vị thuốc khác để chữa các chứng ho, sốt nóng, trong người khô, táo, khát nước, gầy còm. Y học dân gian cho rằng sâm bố chính là một vị thuốc bổ, thông tiểu tiện, điều kinh, chữa sốt, bệnh phổi và bạch đới.
Theo Dược điển Việt Nam, tác dụng của sâm bố chính là bổ khí, bổ huyết, giảm ho, trừ đờm. Chủ trị các chứng: Cơ thể suy nhược, hư lao, ăn ngủ kém, thần kinh suy nhược, hoa mắt, chóng mặt, ho, viêm họng, viêm phế quản.
Một nghiên cứu cho thấy các chất chiết xuất từ hạt và lá của Sâm bố chính có hoạt tính chống oxy hóa đáng kể. Và có thể dùng như chất ức chế gốc tự do. Cây có hoạt tính kháng khuẩn vừa phải chống lại một số chủng vi khuẩn. Chiết xuất này cũng thể hiện hoạt động chống tăng sinh chống lại hai dòng tế bào ung thư ở người. Đó là ung thư biểu mô tuyến trực tràng và u nguyên bào võng mạc.
Một nghiên cứu khác cho thấy điều trị bằng chiết xuất Sâm bố chính trong 2 tuần làm tăng tín hiệu insulin qua trung gian thụ thể. Do đó, Sâm bố chính được đề xuất như một liệu pháp hổ trợ có khả năng hữu ích cho bệnh nhân đái tháo đường đề kháng insulin. Cũng có thể sử dụng trên những đối tượng muốn tăng độ nhạy cảm với insulin.
Cách dùng Sâm bố chính
Rễ sâm bố chính thường được đào vào các tháng 11-12 và tháng 1-2.
Rễ sau khi đào về có nhiều cách chế biến khác nhau:
• Cách 1: cắt bỏ thân ở trên, cạo sạch vỏ ngoài, ngâm nước vo gạo một đêm, vớt ra để khô nước đồ cho chín rồi phơi nắng hoặc sấy cho thật khô.
• Cách 2: đào rễ về cắt bỏ thân cạo sạch vỏ ngoài, ngày phơi đêm sấy cho thật khô.
• Cách 3: đào rễ về, cắt bỏ thân và rễ con, rửa sạch ngâm vào nước phèn chua hai ngày hai đêm (cứ 10 kg rễ dùng 300g phèn chua tán nhỏ, hoà tan vào nước lã). Rửa sạch rồi phơi nắng hay sấy khô.
Liều lượng dùng Sâm bố chính chưa xác định, thường dùng với liều 6-12g hay hơn.
Bài thuốc từ Sâm bố chính
Chữa sốt nóng, khát nước, ra mồ hôi
Dùng Sâm bố chính 20g, thục địa 30g, nhục quế 3g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.
Thuốc bổ khí huyết
Dùng Sâm bố chính 30g, hoài sơn, đương quy, ý dĩ sao, mỗi vị 15g, hồi đầu 12g. Làm thành viên với mật ong hoặc keo mạch nha, dùng mỗi ngày 15-20g.
Trẻ em gầy còm xanh xao, hay đi lỏng, lỵ kéo dài
Sâm bố chính sao chín 25%, hoài sơn sao chín 30%, ý dĩ sao chín 20%, hạt sen sao chín 15%, bạch chỉ sao chín 10%. Các vị đem tán nhỏ, rây bột mịn, cho uống với nước đường hoặc trộn với đường đun chảy. Trẻ em trên 10 tuổi, ngày dùng 4-10g.
Lưu ý
Người có thể trạng hư hàn phải tẩm nước gừng, sao kỹ.
Sâm bố chính là một loài cây có ngoại hình giống Nhân sâm nhưng tác dụng của nó thì hoàn toàn khác. Sâm bố chính được phối hợp với các vị thuốc khác để chữa các chứng ho, sốt nóng, trong người khô, táo, khát nước, gầy còm. Những thông thin trong bài viết có tính chất tham khảo. Khi muốn sử dụng Sâm bố chính để chữa bệnh, ban cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa.
Bài viết tác giả có sử dụng nguồn thông tin tổng hợp và một số hình ảnh của nhà hàng Sabochi Tuệ Lâm